Cảm nhận sách “YÊU NHỮNG ĐIỀU KHÔNG HOÀN HẢO” (tác giả Hae Min): CHẬM LẠI MỘT CHÚT ĐỂ CHO BẢN THÂN ĐƯỢC YÊU THƯƠNG NHIỀU HƠN
“Chúng ta được yêu thương không phải vì chúng ta làm tốt điều gì đó. Chỉ riêng sự tồn tại của chúng ta thôi cũng đã đáng được yêu thương rồi”
“Tình yêu thương của người cha bắt nguồn ngay từ sự tồn tại của đứa con, dù không vừa lòng, không tán thành hung hành động của con, tình yêu thương ấy vẫn không suy suyển. Như dòng chảy của con sông sâu, tình yêu thương luôn chảy trong sâu thẳm trái tim mỗi người.”
Một cảm giác có cái gì đó nghẹn ứ dâng trào ở lồng ngực mình khi mình đọc những dòng này. Như một dòng nước đã bị chặn lại sau bao lâu được thoát ra, tràn lên ôm lấy mặt đất khô cằn, nứt toác. Mình nghĩ về con gái bé nhỏ của mình và nghĩ về cha mẹ mình.
Chị linh Phan, một tác giả có nhiều cuốn sách hay về phương pháp nuôi dạy con ôn hòa, một parent coach mà mình rất hâm mộ, đã từng có bài nói về việc hãy yêu con bằng tình yêu vô điều kiện. “Vô điều kiện” ở đây không phải là thứ tình cảm yêu chiều, nghe theo mọi mong muốn của con mà đó là thứ tình yêu đi cùng sự tôn trọng, trân trọng con như những gì con có, không đặt kì vọng lên con. Con phải ngoan, phải nghe lời – mẹ mới yêu, con phải học giỏi- mẹ mới yêu. Khi chúng ta nói những điều này với con, là đang muốn đặt điều kiện và điều khiển con phải nghe theo mình. Thay vào đó, hãy để cho con hiểu: dù con thế nào, bố mẹ vẫn yêu con. Đó mới là cách để chúng ta nuôi dạy nên những em bé biết yêu thương, tự tin vào bản thân và không phụ thuộc vào cha mẹ.
Và khi mình đọc những dòng đầu tiên trong cuốn sách “Yêu những điều không hoàn hảo” của Đại đức Hae Min, mình bắt gặp thông điệp này một lần nữa.
“Chúng ta được yêu thương không phải vì chúng ta làm tốt điều gì đó.
Chỉ riêng sự tồn tại của chúng ta thôi cũng đã đáng được yêu thương rồi”
Mình nhất định sẽ nói với con mình điều này, và trong quãng đường tụi nhỏ lớn lên, nhất định mình sẽ giúp tụi nhỏ hiểu rằng, sự tồn tại của các con có ý nghĩa như thế nào. Nhưng với bố mẹ của mình, điều này thực sự khó làm. Sự gắn kết giữa mình và bố mẹ không đủ mạnh để mình nói ra điều bị coi là “sến sẩm dở hơi” này. Và tự bản thân mình, một cách thành thật, phải thừa nhận tình cảm mà mình dành cho bố mẹ mình lại luôn đi cùng “điều kiện”. Rằng mình thậm chí không cảm thông mà đã rất oán ghét bố mình, chỉ vì ông không phải một người cha “hoàn hảo”, chỉ vì suốt bao năm qua mình nghĩ rằng ông không làm mình cảm thấy tự hào vì có một người cha như ông.
MÌNH LUÔN CHO RẰNG MÌNH CÓ MỘT GIA ĐÌNH KHÔNG HẠNH PHÚC VÌ CÓ MỘT NGƯỜI CHA KHÔNG TỐT
Hồi mình học cấp 3 trên Hà Đông (nơi cách nhà mình gần 30km), cứ cuối tuần nào mình không về nhà, mẹ mình lại điện lên hỏi, sao các bạn đứa nào cũng về hết, mà mình ít về nhất hội. Mình chưa bao giờ muốn nói với mẹ sự thật, rằng mình không muốn ở nhà. Mình không muốn phải chứng kiến thêm những trận cãi vã của những người lớn, mình hèn nhát, nên mình chọn cách coi như mắt không nhìn thấy thì tim không đau.
Nhưng kể cả khi không về nhà, mình vẫn không thôi ám ảnh về tiếng mắng chửi của bố với mẹ, tiếng bát đũa rơi xuống nền gạch bất kể đó là trong bữa ăn hay chưa, rồi chuỗi âm thanh đó sẽ kết thúc bằng tiếng khóc ấm ức kèm oán hận… của mẹ. Tất cả ký ức chua chát ấy cứ theo 2 chị em mình mà lớn lên, để rồi không đứa bảo đứa nào, cả 2 đứa quyết tâm phải rời xa nơi này, rằng chỉ về khi thực sự cần.
Và sự căm ghét mình dành cho bố chỉ càng lúc càng nhiều thêm theo thời gian. Vì con cái thường có xu hướng thương mẹ mình hơn, nên khi thấy bà nội và bố hết lần này đến lần khác làm tổn thương mẹ, mình càng có suy nghĩ sẽ không bao giờ tha thứ cho bố mình, vì những gì ông đã gây ra trong những lần ông nóng giận, cho dù sau đó ông có hối hận, ăn năn, thay đổi như thế nào. Dù cho mẹ mình mới là người chịu đựng trực tiếp trong chuyện này, mẹ vẫn chọn “tha thứ” và một mực chăm lo cho bà nội và bố mình. Nhưng mình thì không, và mình chọn cách “giữ khoảng cách”, “không quan tâm” “coi như không tồn tại” với bố và bà nội mình.
NHƯNG NẾU CHÚNG TA BỚT ĐI SỰ KỲ VỌNG Ở NGƯỜI KHÁC VÀ Ở CHÍNH BẢN THÂN MÌNH
Khi đọc cuốn “Dám bị ghét” & “Dám hạnh phúc” của tác giả Kishimi Ichiro & Koga Fumitake, cuốn “Hiểu về trái tim” của thiền sư Minh Niệm, và gần đây nhất là “Yêu những điều không hoàn hảo” của Đại đứa Hae Min, mình đã hiểu ra nhiều điều. Tất cả các cuốn sách đều muốn nhắn gửi một thông điệp: mọi chuyện trong cuộc sống đều do cách nhìn nhận chủ quan của chúng ta, nếu chúng ta chịu khó đi sâu tìm hiểu hơn một chút, nếu chúng ta nhìn mọi thứ bớt phức tạp đi một chút, bằng một trái tim cảm thông hơn, thì sẽ bớt chuốc lấy đớn đau, dằn vặt trong lòng.
Chúng ta vốn dĩ là những cá thể không hoàn hảo, từ bé cho đến khi thành người trưởng thành, đã bao lần chúng ta gây ra chuyện, hay làm điều gì đó khiến người thân phải đau lòng. Nhưng dù có giận đến đâu, cha mẹ vẫn coi ta là những đứa con yêu quý mà bỏ qua tất cả những lỗi lầm của ta. Vậy tại sao khi đã đủ lớn, ta lại không thể làm điều tương tự với cha mẹ mình? Tại sao không thể bao dung với lỗi lầm của cha mẹ? Tại sao lại yêu cầu bố mẹ phải tốt thì mình mới yêu thương?
Nói ra những điều này, mình thấy nhẹ nhõm hơn nhưng mình chưa hẳn đã hết cảm giác xa cách đề phòng với bố, mình không thể mở lời nói những câu chuyện phiếm với ông, vẫn cảm thấy gượng gạo mỗi lần trở về nhà dù mình biết không nơi nào sánh bằng nhà. “Tha thứ”- thật ra không phải là làm điều gì cao cả cho người khác, mà giống như bạn đang từ từ cắt đi những nhánh cây leo chằng chịt để ánh nắng mặt trời có thể lọt qua, chiếu sáng cho chính khu vườn lòng mình.
Nếu có một lúc nào đó, bạn thấy mình cạn kiệt năng lượng tích cực, chán ngán mọi thứ đang làm, bế tắc trong các mối quan hệ với người thân, hãy thử đọc cuốn sách này. “Yêu những điều không hoàn hảo”- đúng như tên gọi, một cuốn sách rất dễ chịu, dễ đọc, dễ đồng cảm vì bạn sẽ tìm thấy mình trong đó. Hãy đọc để nhận ra chúng ta đang tự làm mình đau buồn, để trân trọng bản thân mình và mọi người xung quanh, để nhìn cuộc sống bằng con mắt tích cực hơn, đáng yêu thương hơn.
Chúc bạn một tuần mới an yên và tràn ngập tình yêu trong tim!
Hanoi, 27/9/2021
Read & Review by ThuyHong